Cách chữa trị sùi mào gà
Sùi mào gà là bệnh gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân vì hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh triệt để. Các biện pháp điều trị bệnh thường chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, giảm thương tổn cho bệnh nhân.
Tìm hiểu ngay: Những bệnh viện chữa trị sùi mào gà uy tín tại TP.HCM
Xem thêm: Bệnh nhân đánh giá Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu như thế nào?
1. Sơ lược về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà (Genetal Warts) là bệnh mụn cóc sinh dục. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virus Human Papilloma Virus (HPV - virus gây u nhú ở người) gây ra. Ngoài quan hệ tình dục không an toàn, virus HPV cũng có thể lây truyền qua các đường tiếp xúc gián tiếp. Bệnh ủ bệnh trong thời gian khá dài, có thể sau 2 - 9 tháng sau khi quan hệ tình dục không an toàn với người mang mầm bệnh HPV.
Biểu hiện của bệnh gồm: Xuất hiện các mụn cóc, hạt cơm, u nhú hay tổn thương phẳng, mềm, có màu hồng nhạt, có chân hoặc có cuống, không đau, dễ chảy máu, khu trú ở bất kỳ vị trí nào trong cơ quan sinh dục như âm hộ, lỗ niệu đạo, cổ tử cung, hậu môn, dương vật,... hay thậm chí ở miệng, họng. Nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương do bệnh sẽ phát triển nhanh, lan rộng ra xung quanh, tạo thành các mảng, khối lớn.
2. Bệnh sùi mào gà có chữa dứt điểm được không?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà, trước tiên bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và được bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bệnh nhân không nên tự điều trị bệnh tại nhà và tránh để lâu vì bệnh sẽ nặng thêm và khó chữa trị hơn.
Về khả năng chữa khỏi hoàn toàn, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị virus HPV gây bệnh sùi mào gà. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể mang bệnh suốt đời. Người bệnh có thể có biểu hiện triệu chứng hoặc không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài và họ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bạn tình nếu quan hệ tình dục không an toàn.
3. Bệnh sùi mào gà và cách chữa trị
Đối với các sùi mào gà lớn, không phản ứng với thuốc điều trị hoặc có thể ảnh hưởng tới thai nhi (đối với phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà), bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật gồm:
Liệu pháp áp lạnh với nitơ lỏng (cryotherapy): Gây một vết rộp xung quanh các mụn rộp sinh dục. Khi da lành lại, các tổn thương sẽ bong ra, da mới sẽ thay thế vị trí tổn thương. Bệnh nhân có thể cần điều trị bằng liệu pháp áp lạnh với nitơ nhiều lần. Tác dụng phụ của phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà sinh dục này là đau và sưng;
Điều trị bằng laser: Bác sĩ sử dụng một chùm ánh sáng có cường độ cao để điều trị sùi mào gà. Phương pháp này có chi phí điều trị cao nên thường áp dụng cho các trường hợp sùi mào gà trên diện rộng và khó điều trị. Điều trị bằng laser gây tác dụng phụ là đau đớn, có thể để lại sẹo;
Dùng dao mổ điện: Đốt cháy sùi mào gà bằng dòng điện, có thể gây đau và sưng sau khi thực hiện thủ thuật;
Phẫu thuật cắt bỏ sùi mào gà: Bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc toàn thân, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ hoàn toàn sùi mào gà. Sau phẫu thuật, người bệnh thường bị đau.
4. Điều trị sùi mào gà tại nhà
Ngoài các phương pháp điều trị sùi mào gà y tế, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà như:
Dùng trà xanh: Trà xanh được cô đặc thành một hợp chất trong thuốc mỡ sinecatechin (Veregen), thường được bác sĩ chỉ định điều trị sùi mào gà cho bệnh nhân. Người bệnh sùi mào gà có thể mua chiết xuất trà xanh, thêm 1 - 2 giọt dầu dừa vào rồi thoa lên mụn rộp sinh dục khi điều trị tại nhà;
Dùng tinh dầu tràm trà: Là loại nguyên liệu có tác dụng điều trị nấm và các sinh vật khác, kể cả sùi mào gà. Bệnh nhân có thể thoa 1 giọt tinh dầu tràm trà pha loãng (có thể hòa với dầu dừa) và thoa trực tiếp vào mụn rộp sinh dục. Dầu cây tràm trà có thể gây kích ứng, bỏng hoặc viêm, làm giảm kích thước sùi mào gà. Một số người có thể bị dị ứng với dầu cây trà nên trước đó cần kiểm tra trên cánh tay, nếu sau 24 giờ không có phản ứng kích ứng thì có thể sử dụng. Bệnh nhân chú ý không dùng tinh dầu tràm trà để uống hoặc thoa trong âm đạo và ngưng sử dụng nếu thấy khó chịu;
Dùng tỏi: Theo một số nghiên cứu, việc thoa chiết xuất tỏi vào các sẩn sùi mào gà cũng có tác dụng điều trị bệnh. Bệnh nhân có thể thoa trực tiếp chiết xuất tỏi vào các nốt sùi mào gà hoặc ngâm miếng gạc sạch trong hỗn hợp tỏi, áp vào mụn rộp sinh dục;
Dùng giấm táo: Các thành phần có tính axit trong giấm táo có thể tiêu diệt virus. Người dùng có thể ngâm gạc trong giấm táo và áp vào các khu vực nổi sẩn sùi mào gà.
Khi áp dụng các biện pháp trên, bệnh nhân cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Người bệnh không tự ý điều trị để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn.
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà sinh dục
Virus HPV gây bệnh sùi mào gà rất dễ lây truyền, đặc biệt là qua đường quan hệ tình dục không an toàn nên nếu muốn phòng bệnh, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau:
- Sống chung thủy một vợ một chồng;
- Quan hệ tình dục an toàn;
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang mắc bệnh;
- Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sùi mào gà cần đi thăm khám ngay;
- Có biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ em;
- Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV;
- Thực hiện khám, chữa bệnh hiệu quả, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
Bệnh sùi mào gà không thể tự khỏi, không thể điều trị dứt điểm nên việc phòng ngừa bệnh cần được đặt lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe của bản thân và bạn tình. Trong số các biện pháp phòng bệnh, tiêm vắc-xin ngừa HPV chính là giải pháp hữu hiệu nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét