Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh chlamydia
Chlamydia là tác nhân lây truyền qua đường tình dục phổ biến hiện nay. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời nó có thể gây ra các ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày nhất là đối với sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Xem thêm: Hoa liễu là bệnh gì? Những loại bệnh hoa liễu phổ biến hiện nay
1. Chlamydia là bệnh gì?
Chlamydia hay còn gọi là bệnh hoa liễu là một bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây nên. Loại vi khuẩn này chỉ sinh sống trong tế bào sống ở người và là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục và bệnh mắt.
Chlamydia truyền bệnh chủ yếu qua những con đường tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn, miệng. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh. Bất kỳ lứa tuổi, đối tượng nào có quan hệ tình dục đều có khả năng lây nhiễm bệnh.
Bệnh có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản như: chửa ngoài dạ con, sinh non, viêm vùng tiểu khung, vô sinh.
2. Triệu chứng của bệnh
Bệnh Chlamydia thường không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ, không đặc hiệu, dễ bỏ sót, nên hay gây nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục khác. Một số triệu chứng của bệnh ở bộ phận sinh dục như:
Ở nam giới:
Có các biểu hiện của viêm niệu đạo như: cảm giác nóng rát dọc niệu đạo, đái buốt, đái dắt, dịch niệu đạo trắng đục hoặc trong, lượng dịch ít hoặc vừa.
Viêm mào tinh hoàn và viêm tuyến tiền liệt như: đau, phù nề một bên bìu, nóng, sốt.
Trực tràng có thể chảy máu hoặc tiết dịch.
Tinh hoàn sưng và đau.
Ở nữ giới:
Dịch âm đạo bất thường không bình thường như có mùi hôi, có sự thay đổi về màu sắc, xuất huyết bất thường mà chưa đến kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Đau, khó chịu khi quan hệ.
Đau rát khi tiểu tiện.
Ngoài các triệu chứng ở các bộ phận sinh dục Chlamydia còn gây ra các triệu chứng ở các bộ phận khác như:
Chảy máu trực tràng.
Đau vùng thắt lưng, bụng và vùng chậu. Cơn đau ở mức trung bình và tiến triển dần.
Có thể đau họng khi quan hệ tình dục bằng miệng.
Viêm kết mạc mắt, đau mắt hột, nặng hơn có thể gây mù lòa.
Ơ trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh mà không điều trị thì khi sinh ra có thể bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia gây viêm kết mạc, viêm phổi.
3. Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán
Vì các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu cầu, viêm âm đạo do Trichomonas Vaginalis, viêm âm đạo do Candida,... Nên xét nghiệm là phương pháp duy nhất có thể phân biệt được đây có phải là bệnh do vi khuẩn này gây ra hay không. Có nhiều phương pháp xét nghiệm phát hiện bệnh như:
Xét nghiệm trực tiếp: Nhuộm Giemsa hoặc nhuộm Iod. Bệnh phẩm là dịch niệu đạo của nam và dịch âm đạo của nữ. Tuy nhiên xét nghiệm này có độ nhạy cảm kém nên ít khi được sử dụng.
Xét nghiệm test nhanh: được thực hiện trên mẫu dịch niệu đạo hoặc dịch âm đạo. Độ đặc hiệu của xét nghiệm này là 98,2%. Vẫn có các trường hợp âm tính giả nên nếu trong trường hợp bác sĩ vẫn nghi ngờ thì có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác để chắc chắn hơn. Xét nghiệm này thường được dùng trong các trường hợp khám sức khỏe sinh sản thường quy.
Xét nghiệm kháng thể Chlamydia trachomatis IgG/IgA: Thực hiện trên mẫu máu người bệnh. Sử dụng nguyên lý kỹ thuật hóa phát quang để định lượng nồng độ kháng thể trong máu. Xét nghiệm Chlamydia trachomatis IgG có độ đặc hiệu 98,2%, IgA đặc hiệu 95,9%. Xét nghiệm này dùng để đánh giá tính trạng người bệnh đã từng mắc bệnh mà không xuất hiện triệu chứng hay đang mắc bệnh cấp tính. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản hơn so với nuôi cấy.
Xét nghiệm Chlamydia PCR: Xét nghiệm cũng được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm là dịch sinh dục với kỹ thuật hiện đại hơn và độ chính xác cao hơn. Là xét nghiệm được áp dụng nhiều nhất hiện nay ở các phòng xét nghiệm tiên tiến. Xét nghiệm cho kết quả nhanh chóng, có thể phát hiện được những trường hợp khó phát hiện bằng các phương pháp thông thường.
Nuôi cấy phân lập: được thực hiện trên tất cả các mẫu bệnh phẩm lấy ở những vị trí nghi ngờ. Độ chính xác của xét nghiệm này cao hơn cả so với các xét nghiệm còn lại. Tuy nhiên xét nghiệm ít được áp dụng vì kỹ thuật phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài, thường được dùng trong nghiên cứu.
4. Phương pháp phòng bệnh
Chlamydia là một bệnh xã hội rất phổ biến trong tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở Việt Nam. Các phương pháp phòng bệnh có thể kể đến như:
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe giới tính và sinh sản luôn là phương pháp được áp dụng trong tất cả các trường phổ thông, đại học với mục đích phổ biến kiến thức cho tất cả các học sinh, sinh viên.
Tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su, chung thủy 1 vợ 1 chồng, hạn chế các hoạt động tình dục khi có nghi ngờ bị bệnh.
Đi thăm khám ngay khi nghi ngờ bạn tình của mình mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
Đối với phụ nữ không nên thụt rửa bộ phận sinh dục vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh vật có lợi trong âm đạo và khiến cho phụ nữ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hơn.
Thường xuyên đi khám phụ khoa để phát hiện sớm bệnh.
Đối với phụ nữ đang mang thai nên đi khám nhằm phát hiện sớm để tiến hành điều trị tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Bệnh Chlamydia là một bệnh có thể chữa khỏi được bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm vì vậy bạn nên thường xuyên đi thăm khám sức khỏe để có thể kịp thời phát hiện và điều trị tránh gây ra các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và gia đinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét